Chuyên đề: Biến rác thải thành tài nguyên – Hướng đi cho phát triển bền vững

Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với yêu cầu ngày càng cao về tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, vấn đề rác thải từ lâu vốn được xem là “gánh nặng”, đang được nhìn nhận lại như một nguồn tài nguyên tiềm năng nếu biết quản lý và khai thác hợp lý.

Trong những thập niên gần đây, rác thải rắn đô thị, công nghiệp và nông nghiệp đang nổi lên như một trong những thách thức môi trường nghiêm trọng nhất ở Việt Nam. Khối lượng rác phát sinh ngày càng gia tăng, trong khi tỷ lệ tái chế, tái sử dụng còn thấp, chủ yếu vẫn dựa vào hình thức chôn lấp và đốt lộ thiên – gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế – xã hội.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của kinh tế tuần hoàn và quản lý tài nguyên bền vững, rác thải không còn được xem thuần túy là chất thải, mà đang được tái định nghĩa như một dạng “tài nguyên thứ cấp” có thể thu hồi, tái chế và tái tạo thành sản phẩm hoặc năng lượng. Thực tiễn quốc tế đã chứng minh: nếu được phân loại, xử lý và khai thác hiệu quả, rác có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm khai thác tài nguyên sơ cấp, giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy đổi mới công nghệ.

Với chức năng là một Tạp chí chuyên ngành về môi trường, chúng tôi nhận thấy việc triển khai một chuyên đề báo chí chuyên sâu về “Biến rác thải thành tài nguyên” là cần thiết và cấp bách, xuất phát từ các lý do chính sau:

Góc độ khoa học – công nghệ: Đánh giá tiềm năng khai thác tài nguyên từ rác thải; giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ xử lý, tái chế, thu hồi năng lượng hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Góc độ chính sách – pháp lý: Phân tích các cơ chế hiện hành như Luật Bảo vệ môi trường 2020, cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực chất thải.

Góc độ thực tiễn: Ghi nhận những mô hình điển hình, sáng kiến cộng đồng, doanh nghiệp khởi nghiệp xanh… đang góp phần thay đổi cách nhìn về rác tại Việt Nam.

Góc độ phản biện: Chỉ ra những rào cản lớn đang kìm hãm quá trình “chuyển hóa rác” – từ nhận thức, hạ tầng, cơ chế thị trường đến việc phối hợp giữa các chủ thể liên quan.

Với chuyên đề này, chúng tôi kỳ vọng tạo ra một diễn đàn kết nối giữa giới nghiên cứu – nhà hoạch định chính sách – doanh nghiệp môi trường và cộng đồng thực hành, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ mô hình xử lý rác thải sang mô hình quản lý tài nguyên toàn diện để từng túi rác không còn là gánh nặng, mà trở thành mắt xích của một tương lai phát triển bền vững.

 

Thực tế cho thấy, mỗi năm Việt Nam thải ra hàng triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, hàng trăm ngàn tấn chất thải nguy hại và nhiều loại chất thải công nghiệp khác. Trong khi đó, tỷ lệ tái chế, tái sử dụng còn rất thấp. Nói như ông Hồ Kiên Trung Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tại Diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường được tổ chức ngày 12/12/2024 thì tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trên toàn quốc khoảng 67.110 tấn/ngày nhưng chất thải có khả năng tái chế dao động từ 20 - 25% tổng lượng CTRSH phát sinh. Đây là nguồn nguyên liệu giá trị cao phục vụ làm nguyên liệu sản xuất; còn lại là CTRSH khác như túi nilong sử dụng một lần, vỏ kẹo, hộp xốp, mảnh gỗ... có giá trị thấp.

2.jpg

Rác thải tưởng chừng là thứ vô giá trị, thứ bỏ đi đang ngày càng trở thành một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với môi trường, sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững. Từ các bãi rác khổng lồ ở ngoại ô thành phố cho đến những dòng sông đen ngòm rác thải trôi nổi, từ ô nhiễm vi nhựa trong thực phẩm đến khủng hoảng năng lượng và tài nguyên, dấu chân của rác thải đã in hằn lên mọi mặt đời sống hiện đại.

Rác thải đa dạng, phức tạp và ngày càng gia tăng

Trong kỷ nguyên hiện đại, khi tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, rác thải trở thành một vấn đề nan giải, không chỉ với các đô thị lớn mà còn lan rộng đến vùng nông thôn. Từ rác sinh hoạt đến rác thải điện tử, nông nghiệp, công nghiệp… khối lượng và mức độ độc hại ngày càng gia tăng. Nếu không có giải pháp quản lý và tái sử dụng hiệu quả, rác thải sẽ không chỉ làm suy thoái môi trường mà còn gây tổn thất nặng nề về kinh tế và đe dọa chất lượng sống của hàng triệu người dân.

dẫn từ báo moitruong.net.vn