(TN&MT) - Sáng 23/3, tại Hà Nội, Bộ TN&MT tổ chức Lễ phát động Quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà dự và phát biểu khai mạc Lễ phát động.
Dự buổi Lễ có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành; Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái; Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh; Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường; đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; kết nối trực tuyến đến hơn 500 điểm cầu của các tổ chức quốc tế, phi chính phủ, Đại sứ quán tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố và các cơ quan chuyên môn, cơ quan thông tấn báo chí và cộng đồng.
Biến đổi khí hậu - thách thức nghiêm trọng đối với nhân loại
Phát biểu khai mạc buổi Lễ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, trong những năm qua, biến đổi khí hậu, thiên tai và sự thiếu hụt về nguồn nước đã và đang là những thách thức nghiêm trọng đối với nhân loại. Theo báo cáo mới nhất công bố ngày 28/2/2022 của Ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu - IPCC, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, thiên tai sẽ ngày càng gia tăng về cường độ và tần suất, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực và sinh kế của người dân ngày càng bị đe dọa. IPCC ước tính, kể từ năm 2008 đến nay, mỗi năm, có hơn 20 triệu người trên thế giới phải rời bỏ nhà cửa do bão, lũ lụt; và một nửa dân số thế giới thiếu nước ít nhất 1 tháng mỗi năm.
“Gia tăng dân số toàn cầu, tình trạng đô thị hóa kéo thêm sự suy thoái về thiên nhiên môi trường, cộng hưởng thêm tác động của dịch bệnh Covid-19 đang làm phức tạp hóa hơn những thách thức mà Trái đất đang phải đối mặt. Dưới tác động của thời tiết khắc nghiệt, biến đổi khí hậu đã trở thành những tác nhân hàng đầu gây ra sự thiếu hụt về lương thực, mất cân bằng hệ sinh thái, suy giảm đa dạng sinh học, cạn kiệt tài nguyên trong đó có nguồn tài nguyên nước ngầm”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Vì vậy, chủ đề của Ngày Nước thế giới “Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình”, Ngày Khí tượng thế giới “Cảnh báo sớm để hành động sớm - Thông tin KTTV và khí hậu phục vụ hiệu quả giảm nhẹ rủi ro thiên tai” và Chiến dịch Giờ Trái đất 2022 “Kiến tạo Tương lai – Bây giờ hoặc không bao giờ” có sự gắn kết chặt chẽ với nhau, qua đó, kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng để tăng cường các giải pháp, xây dựng các kế hoạch, chiến lược, hành động kịp thời ngay từ bây giờ. Đó là tăng cường hơn nữa công tác thông tin, dự báo, cảnh báo sớm và trong ngắn hạn và dài hạn để bảo vệ sinh mạng và tài sản của người dân; thúc đẩy quản lý, khai thác, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước ngầm nói riêng và tài nguyên nước nói chung vì sự sống của các thế hệ hôm nay và mai sau; lan tỏa sử dụng tiết kiệm năng lượng cho tương lai bền vững của hành tinh và nhân loại.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu, trung bình mỗi năm, chúng ta đang phải chịu từ 6-7 cơn bão; những ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, hay thiếu nguồn nước sạch sinh hoạt tại nhiều địa phương, vùng miền đang xảy ra với tần suất nhiều hơn gây trở ngại đến sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, những năm gần đây, đã xảy ra nhiều thiên tai bất thường, cực đoan và khó dự đoán.
Trong bối cảnh đó, lĩnh vực KTTV, tài nguyên nước và biến đổi khí hậu nói riêng và ngành Tài nguyên và Môi trường nói chung luôn nhận được quan tâm, định hướng, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Những nỗ lực ứng phó các thách thức liên quan tới biến đổi khí hậu, giảm thiểu và ngăn ngừa rủi ro phòng, chống thiên tai; đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn
Hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022, tại Lễ phát động hôm nay, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các cấp chính quyền đổi mới căn bản về nhận thức và tư duy trong hoạch định chính sách phát triển theo hướng kinh tế dựa vào hệ sinh thái, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; người dân cả nước tích cực cùng chung tay hành động để mỗi hành động cụ thể sẽ cộng hưởng, tạo sức lan tỏa lớn trong toàn xã hội vì tương lai bền vững.
Truyền tải thông điệp, thúc đẩy quá trình hợp tác, cam kết với quốc tế và thực hiện các hoạt động hưởng ứng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn các cấp chính quyền tiếp tục rà soát hoàn thiện hệ thống các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thể chế hóa và nội luật hóa những nội dung Điều ước, Thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Có chính sách cụ thể thúc đẩy xã hội hóa khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia, cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, trọng tâm là việc cảnh báo, dự báo sớm; đẩy mạnh hợp tác hợp tác quốc tế và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ.
Phát triển ít phát thải hướng tới phát thải ròng bằng "0" đã trở thành xu thế phát triển tất yếu của thế giới. Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn và đề nghị các Ban, Bộ, Ngành và các địa phương cùng vào cuộc với quyết tâm cao nhất để thực hiện lộ trình chuyển đổi lâu dài, khó khăn từ mô hình phát triển sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch, lãng phí tài nguyên hiện nay sang phát triển ít phát thải có sức chống chịu cao. Các Bộ, ban, ngành địa phương cùng chung tay tháo gỡ ngay các nút thắt trong cơ chế, tạo mọi thuận lợi cho quá trình chuyển đổi, đảm bảo cam kết của Việt Nam.
Đồng thời, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị, tiếp tục thúc đẩy sử dụng nước một cách thông minh, tiết kiệm; tích cực khôi phục những dòng sông bị suy thoái, ô nhiễm; làm tăng trở lại nguồn nước ngầm bị suy giảm là những việc cần làm để góp phần quan trọng cho phát triển quốc gia phồn thịnh và bền vững, đảm bảo an ninh nước và sinh kế dựa vào nước.
Chung tay hướng đến phát triển bền vững
Tại Lễ phát động, các đại biểu đã cùng nghe bài phát biểu, thông điệp của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhân Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2022; phát biểu của lãnh đạo một số tổ chức quốc tế, Đại sứ quán tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các tỉnh, thành phố...
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, Cần Thơ là thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông. Tài nguyên nước trên địa bàn thành phố khá dồi dào, chủ yếu lấy từ nguồn nước mặt, nước mưa và nước ngầm. Trên địa bàn thành phố Cần Thơ có tổng cộng 13 sông.
Mặc dù, tài nguyên nước trên địa bàn thành phố hiện đáp ứng đủ nhu cầu, tuy nhiên, đang có dấu hiệu suy giảm về số lượng, chất lượng nguồn nước. Đặc biệt, cần xem xét đến yếu tố lưu lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Công về đầu nguồn sông Cửu Long, cũng như Cần Thơ và hoạt động nông nghiệp ngày càng phát triển tại Campuchia là nguồn thải đáng kể ảnh hưởng đến chất lượng nước đầu nguồn của thành phố Cần Thơ trong tương lai. Hơn thế nữa cũng cần xem xét đến các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường đất, nước trên chính địa bàn thành phố. Do đó, cần tăng cường công tác giám sát nguồn nước xuyên biên giới phục vụ an ninh nguồn nước, phát triển kinh tế - xã hội.
Hưởng ứng thông điệp của Chủ tịch nước Nguyên Xuân Phúc, để chung tay phòng ngừa, sẵn sàng và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, ông Nguyễn Thực Hiện kêu gọi sự quan tâm và tham gia tích cực của các cơ quan, đoàn thể, chính quyền các cấp, tổ chức xã hội, các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế, các cơ quan thông tấn báo chí và cộng đồng dân cư tiếp tục thực hiện các biện pháp đặt ra đang vô cùng cấp bách nhằm thực hiện đúng Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Giai đoạn tới, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cần Thơ nói tiêng cần xây dựng Chiến lược, kế hoạch chi tiết, đưa ra lộ trình cụ thể để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển để thực hiện các cam kết nêu trên. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần xây dựng và thực hiện quy hoạch tài nguyên nước trong điều kiện biến đổi khí hậu và tác động do hoạt động khai thác nước ở thượng nguồn sông Mekong”, ông Nguyễn Thức Hiện nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo UBND huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, trong những năm qua, vai trò và tầm quan trọng của thông tin dự báo KTTV và khí hậu đối với phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế xã hội ở địa phương huyện Sơn Hà đã được khẳng định, các cơ quan KTTV trên địa bàn đã làm tốt công tác dự báo KTTV thực hiện dự báo thời tiết, thuỷ văn chi tiết đến các huyện; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo KTTV, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai và chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Nhờ công tác dự báo sớm, kịp thời của Ngành KTTV, địa phương đã có hành động quyết liệt, hiệu quả từ sớm nên đã giảm thiểu được nhiều thiệt hại. Thiệt hại về người và thiệt hại về tài sản đã giảm đáng kể.
Lãnh đạo UBND huyện Sơn Hà mong muốn cơ quan KTTV tiếp tục tăng cường, nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV và giám sát biến đổi khí hậu; hoàn thiện các phương pháp, quy trình dự báo, cảnh báo thiên tai, bảo đảm cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, dữ liệu KTTV, góp phần đưa thông tin dự báo KTTV đến với người dân sớm nhất, kịp thời nhất để chủ động trong sản xuất và kinh doanh.
Tại Lễ phát động, Tổng cục KTTV đã công bố kết quả và trao giải cho các tập thể và cá nhân đạt giải Cuộc thi “Khí tượng Thủy văn trong em”.