Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Bộ TN&MT

Sáng 1/4, tại Nhà Quốc hội, Đoàn Giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm trưởng đoàn, đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về "Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021".

 

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương. Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ: Đoàn triển khai giám sát trực tiếp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, nghe lãnh đạo Bộ báo cáo nội dung việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện rà soát các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, kéo dài liên quan đến lĩnh vực ngành.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo. Qua giám sát, trao đổi, Đoàn Giám sát hy vọng sẽ có được bức tranh toàn cảnh về khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai, những vấn đề trong thực hiện Luật Đất đai làm phát sinh khiếu nại, tố cáo và hiệu quả trong tổ chức thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Đồng thời, đánh giá chính xác hơn kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, vướng mắc, từ đó làm cơ sở để tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đất đai, tài nguyên môi trường, nâng cao năng lực, trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Trên tinh thần đó, Trưởng Đoàn Giám sát đề nghị các đại biểu nêu vấn đề, bày tỏ chính kiến, thảo luận tập trung vào các vấn đề lớn như: Việc Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai quán triệt, cụ thể hóa các văn bản của Đảng, nhất là Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ trong thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu; bổ sung những nhận định, tình hình khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai như: thu hồi và bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tranh chấp đất đai, các sai phạm liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường...

oklhws-4-.jpg
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà báo cáo giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu nêu - Ảnh: Quochoi.vn 

Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trong kỳ báo cáo, tổng số đơn khiếu nại mà Bộ tiếp nhận là 18.202 lượt đơn, tương ứng với 9.159 vụ khiếu nại, tố cáo, trong đó đa số vụ việc khiếu nại trong lĩnh vực đất đai.

Khiếu nại trong lĩnh vực đất đai tập trung vào một số nội dung chủ yếu gồm: Khiếu nại liên quan đến việc cấp, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giá bồi thường, hỗ trợ; việc thu hồi đất và trình tự, thủ tục thu hồi đất; tranh chấp đất đai và đòi lại đất cũ…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo được thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao cho Chánh Thanh tra Bộ tổ chức đối thoại với tất cả các vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng. Đối với vụ việc phức tạp, Chánh Thanh tra sẽ báo cáo Bộ trưởng để lãnh đạo Bộ tổ chức đối thoại theo quy định.

Qua thảo luận, các thành viên Đoàn Giám sát cho rằng, Báo cáo đã phản ánh khá toàn diện tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong 5 năm qua; cung cấp nhiều số liệu cụ thể để minh chứng cho các đánh giá, nhận định về tình hình thực hiện, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn 2016 - 2021.

Các đại biểu đánh giá, nhìn chung, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung thực hiện tốt công tác tiếp công dân. Tình hình công dân đến Trụ sở tiếp công dân của Bộ có xu hướng giảm trong 2 năm gần đây. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Báo cáo có sự đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp công dân của Bộ gắn với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; chỉ rõ những tồn tại, hạn chế để có biện pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này, góp phần giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo phát sinh, hạn chế khiếu nại, tố cáo vượt cấp, bức xúc, kéo dài.

Các đại biểu đề nghị Bộ chỉ rõ nguyên nhân các vụ việc khiếu nại còn tồn đọng, chưa giải quyết, do vướng mắc pháp luật hay do công tác thực thi. Đối với tranh chấp đất đai, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền trách nhiệm giải quyết của Bộ còn tồn đọng là 38/268 (chiếm 14% số vụ việc phải giải quyết). Bộ làm rõ nội dung các khiếu nại, tranh chấp này, làm cơ sở cho việc đề xuất điều chỉnh pháp luật về quản lý đất đai.

Một số ý kiến lưu ý, Bộ cần đánh giá thêm trường hợp công dân lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây mất an ninh, trật tự, thậm chí để vu khống, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường với sự tham gia tích cực của các cơ quan thuộc Bộ. Các thành viên Đoàn giám sát và chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm đối với các nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ quan tiếp thu tối đa các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện và gửi báo cáo bổ sung cho Đoàn Giám sát trong thời gian sớm nhất.

 Phó Chủ tịch Quốc hội yêu tập trung làm rõ kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, quy trình tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, đối thoại với công dân; đặc biệt là trách nhiệm của Bộ trong tham mưu với Thủ tướng Chính phủ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và các vụ việc tồn đọng nói riêng.

Về lĩnh vực đất đai, Báo cáo cần đánh giá toàn diện về quy trình, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp tục làm rõ hơn các vụ việc tồn đọng và dự báo tình hình trong thời gian tới…

 

Theo bao baotintuc.vn